Để có một website chạy trên môi trường Internet, chúng ta cần có 2 thành phần là: Domain và Hosting. Đơn giản nhất, dễ hiểu nhất mình sẽ dùng hình tượng một ngôi nhà để nói về điều này. Hosting như một miếng đất để bạn xây dựng ngôi nhà trên đó. Tên Miền (Domain) chính là địa chỉ nhà của bạn, cái dòng mà mọi người gõ vào trình duyệt ấy 🙂
Bài viết sau đây mình chia sẻ cho các bạn về 2 thành phần để tạo nên một website. Mình giải thích hosting và domain là gì?
Hãy bắt đầu nào!
Vì sao phải có Hosting?
Nếu coi website là một căn nhà, thì Hosting như là một miếng đất để có thể cất nhà. Nếu mọi người muốn đi đến nhà của ai đó cần phải biết địa chỉ, và địa chỉ ở đây chính là Domain. Vì vậy, một website nếu muốn chạy trên môi trường Internet cần phải đáp ứng đủ 2 yếu tố:
- Nơi lưu trữ website: Hosting
- Địa chỉ của website: Domain
HOSTING LÀ GÌ?
Đối với mã nguồn WordPress thì gần như nó có thể tương thích với tất cả các dịch vụ hosting hiện nay. Đây chính là một trong những lý do giúp WordPress trở thành một mã nguồn phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Như mình đã đề cập ở bài viết:
WordPress là gì? 2 điểm đặc biệt của WordPress mà bạn nên biết
Để chạy được website/blog cho WordPress, hosting chỉ cần:
- Sử dụng hệ điều hành Linux
- Có cài đặt phiên bản PHP 5.6 trở lên
- Sử dụng MySQL phiên bản 5.6 hoặc cao hơn
Có 3 lưu ý lớn nhất khi bạn đăng ký một dịch vụ Hosting đó là:
- Tốc độ và thời gian uptime (thời gian hoạt động)
Đây là yếu tố đáng quan tâm hàng đầu, nó nói lên chất lượng dịch vụ hosting, nếu bạn không may mắn sử dụng một dịch vụ hosting bị downtime (không hoạt động) thì bạn sẽ làm giảm trải nghiệm người dùng. Ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập và điều đó dẫn đến website/ blog của bạn bị giảm thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm
- Băng thông và dung lượng lưu trữ
Băng thông là một thông số chỉ ra giới hạn dung lượng tối đa của các thông tin mà website/blog của bạn được lưu trữ qua lại trong mỗi tháng. Tốt nhất bạn nên chọn các dịch vụ hosting không giới hạn băng thông và dung lượng lưu trữ.
- Bảo mật và dịch vụ hỗ trợ khách hàng
Là những điều bạn cần quan tâm khi lựa chọn dịch vụ hosting cho WordPress. Sự bảo mật giúp cho bạn an tâm trong công việc, dịch vụ hỗ trợ luôn sẵn sàng từ công ty cung cấp hosting sẽ giúp bạn khắc phục các vấn đề xảy ra bất cứ lúc nào.
Phân loại các loại Hosting
Hiện có các loại Hosting như sau: Hosting miễn phí, Shared Host, Máy chủ ảo (VPS), máy chủ vật lý (Dedicated) và Managed WordPress. Bây giờ chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu từng loại Hosting để xem chúng khác nhau như thế nào?
1. Hosting miễn phí
Đúng như tên của nó, với host này bạn không phải trả bất kỳ một chi phí nào. Nó thường được cung cấp bởi các cá nhân hoặc tổ chức với một mục đích riêng của họ. Ví dụ họ cho bạn sử dụng Host miễn phí những sẽ đặt quảng cáo của họ trên site của bạn. Đặt các liên kết ở chân trang website…
Hầu hết Host miễn phí sẽ bị giới hạn nhiều chức năng như không thể sử dụng tên miền riêng, không cài đặt và mở rộng thêm các chức năng, không bảo mật, giới hạn dung lượng lưu trữ và đặc biệt tốc độ cực kỳ chậm.
Điều quan trọng nhất khi bạn sử dụng dịch vụ Hosting miễn phí là bạn không thể biết được rằng khi nào họ sẽ ngưng cung cấp dịch vụ free cho bạn. Do đó nếu bạn muốn xây dựng website/blog của mình với một mục tiêu rõ ràng và lâu dài thì host miễn phí sẽ không phải là lựa chọn của bạn
2. Shared Hosting – Host sử dụng chung tài nguyên
Đây là loại Hosting phổ biến, được nhiều người sử dụng nhất để lưu trữ website WordPress. Shared hosting sử dụng chung tài nguyên như CPU, dung lượng đĩa, băng thông… với nhiều website. Tất cả được nằm trên một máy chủ vật lý.
Hiện nay Shared Hosting vẫn là một giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp và blogger mới bắt đầu.
3. Virtual Private Server (VPS)
Hay còn gọi là máy chủ ảo, đây là máy chủ ảo được sinh ra bởi một máy chủ vật lý. Loại hosting này thường dành cho những website/ blog có lượng truy cập lớn hoặc có nhu cầu phát triển cao với chiến lược dài hạn.
Tất nhiên chi phí và cách sử dụng cũng sẽ phức tạp hơn và không phải ai cũng có thể dễ dàng cài đặt và cấu hình một website/ blog chạy trên VPS. Thông thường các dịch vụ cung cấp máy chủ ảo sẽ kèm các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng của họ.
Bạn có thể nghĩ đến VPS khi website của bạn có từ 8.000 đến 100.000 lượt truy cập/ ngày
4. Dedicated – máy chủ riêng
Hay còn gọi là máy chủ vật lý, đây là loại mà bạn thuê cả một máy chủ riêng. Bạn được toàn quyền sử dụng máy chủ đó, loại hosting này dành cho những website có lượng truy cập cực lớn.
Chi phí để sử dụng một Dedicated Server thông thường thấp nhất từ khoảng 100$/tháng và bạn cần phải tự quản lý về kỹ thuật hoặc cần trả thêm chi phí để các công ty cung cấp dịch vụ quản lý
5. WordPress Managed Hosting
Trong khi các dịch vụ Host ở trên đều cho phép bạn chạy bất cứ mã nguồn website nào và tự quản trị thì gói WordPress Managed Hosting lại hoàn toàn ngược lại. Đây là một loại host cao cấp được thiết kế dành riêng cho WordPress để đạt hiệu suất cao nhất.
Điều này có nghĩa là mọi thiết lập bên trong Server và phần mềm đều tương thích tốt nhất với WordPress để website bạn an toàn hơn, tốc độ hơn và đặc biệt là họ kiêm luôn quản trị server, bảo mật cho bạn.
Chi phí cho loại hosting này thông thường khoảng từ 20$/tháng và chỉ cho phép lưu trữ 1 website WordPress với số lượng truy cập vào khoảng 25.000 lượt/tháng. Thông thường những người mới cũng không có khả năng để chi trả cho dịch vụ hosting này.
Phần mềm quản lý Hosting
Để có thể tương tác và điều khiển tốt Web Hosting, chúng ta cần phải có những phần mềm với giao diện thân thiện, dễ sử dụng.
Hiện nay có 3 phần mềm được sử dụng khá phổ biến:
1. cPanel
cPanel là một công cụ Webserver Control Panel tốt và phổ biến hiện tại
2. DirectAdmin
Chức năng của DirectAdmin cũng tương tự như cPanel nhưng ít chức năng hơn và ít phổ biến hơn, nhưng công cụ này có giá rẻ hơn so với cPanel
3. Parallels Plesk
Đây cũng là một công cụ quản trị, nhưng Parallels Plesks hỗ trợ cả VPS Windows và VPS Linux
Vì sao phải có DOMAIN
Như chúng ta đã biết, Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy cập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Các máy tính giao tiếp với nhau thông qua một dãy số gọi là IP
Như vậy, mục đích chính của DOMAIN (Tên miền) là để cung cấp một hình thức đại diện, hay nói cách khác dùng những tên gọi dễ nhận biết, thay cho việc nhớ những dãy số IP.
Ví dụ: Bạn muốn vào website facebook.com (Bạn thích gõ domain facebook.com hay phải gõ IP: 157.240.15.35 đều được
DOMAIN (Tên miền) là gì?
Một tên miền là địa chỉ website/blog thường sẽ có cấu trúc cơ bản như sau:
https://www.cuonglog.com
Trong đó:
- http: là chữ viết tắt của HyperText Transfer Protocol (giao thức truyền tải siêu văn bản). Hiện có thêm https là tên viết tắt của “Hypertext Transfer Protocol Secure”. Đây là một sự kết hợp giữa giao thức HTTP và giao thức bảo mật SSL hay TLS. HTTPS giúp cho việc trao đổi thông tin một cách bảo mật trên nền Internet.
- www: Tiền tố của tên miền
- cuonglog: Tên được đặt của tên miền
- .com: Hậu tố của tên miền, có thể gọi là đuôi tên miền
Khi gõ một tên miền vào trình duyệt web, bạn chỉ cần gõ theo cú pháp kiểu cuonglog.com là được
Khi đăng ký một tên miền, bạn có thể chọn nhiều đuôi tên miền khác nhau như .com, .net, .info, .vn,…. nhưng tốt nhất hãy chọn các đuôi tên miền quốc tế thay vì đuôi tên miền quốc gia (.vn, .com.vn, .edu.vn,… ) vì tính phức tạp trong lúc đăng ký cũng như giá cả cao hơn.
Ngoài ra tên miền còn có dạng như thế này:
www.blog.cuonglog.com
Trong đó: chữ blog nằm trước cuonglog.com nghĩa là sub-domain (tên miền con), dựa trên tên miền mẹ là cuonglog.com. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra không giới hạn tên miền con và có thể định nó như một website riêng biệt
Cách lựa chọn tên miền (DOMAIN)
Chúng ta đã hiểu rõ về Domain, vậy lựa chọn tên miền và đặt tên miền như thế nào là phù hợp?
.com: là kí hiệu viết tắt của từ “commercial”. nghĩa là thương mại. Hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn sở hữu một tên miền loại này bởi vì nó khẳng định vị thế cao của doanh nghiệp trên mạng Internet
.net: Viết tắt của từ “network”, nghĩa là mạng lưới. Thông thường được sử dụng bởi các nhà cung cấp dịch cụ Internet
.vn: Được hiểu là viết tắt của “Việt Nam”, là tên miền quốc gia Việt Nam
.org: Viết tắt của từ “organization”, dành cho các tổ chức.
.edu: Dành cho các tổ chức giáo dục.
.biz: Viết tắt của từ Business. Được dùng cho các trang thương mại.
.info: Thường được đặt tên cho các trang web cung cấp thông tin
.health: Dành cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế.
.tel: Sử dụng trong lĩnh vực danh bạ điện thoại trực tuyến
.tv: Dành cho các trang phim, truyền thông, truyền hình.
.gov: Dành cho các tổ chức chính phủ.
Quy tắc đặt tên miền:
- Tên miền không được vượt quá 63 ký tự (đã bao gồm phần .com, .net, .info,…)
- Tên miền chỉ bao gồm các ký tự trong bảng chữ cái (từ A đến Z), các số (0-9) và dấu (-). Khoảng trắng và các ký tự đặc biệt khác đều không hợp lệ
- Không bắt đầu hoặc kết thúc tên miền bằng dấu (-)
Tên miền kết nối với Host như thế nào
Mỗi host sẽ có một địa chỉ IP riêng biệt và chắc chắn tên miền cũng sẽ cần kết nối kết nối vào địa địa chỉ IP của host (còn gọi là Domain Nameserver – DNS). Trường hợp này sẽ cần thao tác nếu bạn đăng ký host tại một nơi và tên miền tại một nơi khác.
Đầu tiên là DreamHost, khi đăng ký hosting tại đây bạn sẽ được tặng kèm một tên miền với đuôi .com/.net/.org hoặc info. Nếu sử dụng hosting tại DreamHost thì bạn sẽ không cần thực hiện thao tác trỏ tên miền về host nữa (kết nối địa chỉ IP của tên miền vào host)
Tuy nhiên để rõ ràng, chi tiết hơn mình sẽ hướng dẫn bạn mua một tên miền tại GoDaddy và đăng ký gói hosting tại HawkHost. Ở trường hợp này bạn sẽ cần biết cách thay đổi IP của tên miền thành IP của host.
Thông thường, mỗi nhà cung cấp host đều có một DNS riêng (thường là hai địa chỉ với dạng ns1.abc.com, ns2.abc.com) và sau khi mua host, bạn có thể vào trang quản lý tên miền sửa thông tin DNS của tên miền thành các địa chỉ DNS của nhà cung cấp là bạn có thể truy cập vào host bằng tên miền riêng của mình.
Ngoài ra, còn có các dịch vụ DNS trung gian. Tức là bạn không cần sử dụng DNS của nhà cung cấp host nhưng vẫn kết nối được từ tên miền vào host bằng cách kết nối vào một địa chỉ DNS trung gian, sau đó bạn sẽ khai báo thêm địa chỉ IP của host vào DNS trung gian là nó được kết nối.
Ở những bài viết tiếp theo mình sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng một dịch vụ DNS trung gian nổi tiếng nhấ thế giới, đó là CloudFlare. Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí, khi sử dụng nó bạn website/blog của bạn sẽ được tăng tốc, tăng cường bảo mật (vì nó giúp ẩn địa chỉ IP gốc của host),…
Đoạn này hơi liên quan đến kỹ thuật một chút, nhưng thôi đừng quá bận tâm bạn nhé. Ở những bài viết sau mình sẽ hướng dẫn bạn từng bước, từng bước lúc đó bạn sẽ thấy rõ hơn rất nhiều.